Hợp tác với Quỹ ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), TikTok Shop công bố chương trình Hỗ trợ Nghệ nhân và Nhà bán lẻ trên toàn khu vực Đông Nam Á với tên gọi SOAR Together. Chương trình được thực hiện nhằm trang bị công cụ và mang tới cơ hội giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong khu vực bứt phá trong kỷ nguyên số.

“Là xương sống của nền kinh tế Đông Nam Á, các MSME đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt tại những địa bàn còn gặp nhiều thách thức. Chúng tôi tự hào tiếp tục hợp tác cùng Quỹ ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN nhằm mang đến chương trình SOAR Together, giúp MSME nâng cao kỹ năng thương mại điện tử, livestream bán hàng, marketing số và mở rộng kinh doanh trên nền tảng TikTok Shop. Chương trình được triển khai ở thời điểm Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, hòa nhịp cùng chủ đề ‘Bao trùm và Bền vững’, hướng đến tương lai phát triển toàn diện và bền vững cho khu vực.” - Chanida Klyphun, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, TikTok chia sẻ.

Trong hợp tác lần này, TikTok Shop, Quỹ ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN sẽ kết hợp chuyên môn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và mang lại cơ hội kinh tế công bằng hơn cho MSME, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số dẫn dắt. Chương trình cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu, tài nguyên phù hợp và hỗ trợ thiết thực giúp MSME không chỉ phát triển tại thị trường nội địa mà còn vươn xa ra khu vực, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Với khoảng 70 triệu MSME, chiếm tới 97,2% đến 99,9% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, MSME là trụ cột của nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, họ thường đối mặt với những rào cản lớn như khó tiếp cận vốn, thiếu kỹ năng kinh doanh chuyên sâu và hạn chế về kết nối thị trường. Chương trình SOAR Together được thiết kế nhằm giải quyết những thách thức này, mang đến cơ hội thay đổi cuộc chơi cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chúng tôi kêu gọi MSME tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nắm bắt cơ hội và tham gia chương trình SOAR Together nhằm nâng tầm kỹ năng số qua các khóa đào tạo chuyên sâu cùng chuyên gia từ TikTok Shop, xây dựng trải nghiệm thực tế với livestream bán hàng – xu hướng dẫn đầu thương mại điện tử, cũng như tăng cường kết nối và học hỏi từ cộng đồng MSME, các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong khu vực.

Chi tiết chương trình tại đây và cách đăng ký tại đây

TikTok Shop trao cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ

TikTok Shop là nơi mọi người có thể biến niềm vui khám phá sản phẩm thành các giao dịch ý nghĩa, tạo ra niềm vui cho cả người bán lẫn người mua. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và nhà sáng tạo, cung cấp hỗ trợ chuyên biệt và xây dựng cộng đồng phát triển toàn diện. Chương trình ASEAN SOAR Together là bước tiến quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và nhà sáng tạo tại Đông Nam Á.

Chương trình SOAR Together gắn liền với Kế hoạch Hành động Chiến lược ASEAN cho Phát triển SME 2016-2025, hướng đến việc đưa các doanh nghiệp nhỏ trở thành những đơn vị sáng tạo, cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, chương trình góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, khẳng định vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc định hình tương lai kinh tế và xã hội khu vực.

TS. Piti Srisangnam, Giám đốc Điều hành Quỹ ASEAN chia sẻ: “Tại Quỹ ASEAN, chúng tôi luôn tìm kiếm các giải pháp thiết thực để hỗ trợ cộng đồng trong khu vực. Hợp tác với TikTok Shop và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN là một bước tiến lớn, giúp MSME – đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên và nhóm yếu thế dẫn dắt – tiếp cận kỹ năng số và cơ hội thị trường. Đây không chỉ là câu chuyện về kinh doanh, mà còn là hành trình của sự hòa nhập, trao quyền và đảm bảo không ai bị bỏ lại trong nền kinh tế số.”

Tan Sri Nazir Razak, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN cho biết: “Sự hợp tác giữa TikTok Shop, Quỹ ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN là bước đi thiết yếu để trao quyền cho MSME trong khu vực. MSME là trái tim của nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng hành trình chuyển đổi số của họ vẫn còn nhiều thử thách. Chương trình SOAR Together mang đến các kỹ năng thực tiễn về thương mại điện tử, livestream bán hàng và cơ hội tiếp cận thị trường khu vực, tạo ra tác động kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt, với trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên từ cộng đồng yếu thế khởi xướng, chúng tôi tin rằng chương trình sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển công bằng và bền vững, nâng cao vị thế của khu vực Đông Nam Á trên bản đồ kinh tế số toàn cầu.”

Về Quỹ ASEAN

Ba thập kỷ sau khi ASEAN được thành lập, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thấy rằng: sự thịnh vượng chung còn hạn chế, nhận thức về ASEAN và sự kết nối giữa người dân ASEAN vẫn chưa đủ. Xuất phát từ mối quan ngại này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thành lập Quỹ ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Kỷ niệm 30 năm ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 15 tháng 12 năm 1997.

Quỹ ASEAN là một tổ chức của và vì người dân ASEAN. Quỹ ra đời với một tầm nhìn: xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng. Là một cơ quan của ASEAN, Quỹ được giao nhiệm vụ hỗ trợ ASEAN chủ yếu trong việc thúc đẩy nhận thức, bản sắc, sự tương tác và phát triển của người dân ASEAN.

Để biết thêm thông tin về Quỹ ASEAN, truy cập: www.aseanfoundation.org

Về Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN

Được thành lập bởi các Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 7 vào tháng 11 năm 2001 tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam và chính thức ra mắt vào năm 2003, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) là cơ quan đại diện cao nhất của khu vực tư nhân, được trao nhiệm vụ cung cấp ý kiến phản hồi và định hướng từ doanh nghiệp để thúc đẩy nỗ lực hội nhập kinh tế của ASEAN, đồng thời xác định các lĩnh vực ưu tiên để các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét. ASEAN-BAC đóng vai trò chủ đạo trong việc phối hợp ý kiến từ các hội đồng kinh doanh và tổ chức, hỗ trợ tương tác với các nhóm ngành của ASEAN.

Về Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN Malaysia

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN Malaysia là thành viên quan trọng trong ASEAN-BAC khu vực, thường xuyên tham gia các cuộc họp Hội đồng và đối thoại với các Lãnh đạo ASEAN. Kể từ năm 2003, ASEAN-BAC Malaysia đã đóng góp ý kiến chính sách tại nhiều phiên tham vấn với các Lãnh đạo ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các cơ quan ngành. Đáng chú ý, ASEAN-BAC Malaysia từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào năm 2015, khi Malaysia công bố thành lập Cộng đồng ASEAN. Hiện nay, ASEAN-BAC Malaysia được đại diện bởi Chủ tịch Tan Sri Nazir Razak cùng các thành viên hội đồng Tan Sri Tony Fernandes và ông Lim Chern Yuan.

Khi Malaysia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN Malaysia tự hào dẫn đầu các sáng kiến và chương trình chính sách của khu vực tư nhân, hỗ trợ tầm nhìn Chủ tịch của Malaysia và các Thành tựu Kinh tế Ưu tiên (PEDs). Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN Malaysia đã triển khai 12 sáng kiến chính sách và xác định hơn 60 chương trình sẽ được thực hiện trong suốt năm. Tất cả đều hướng tới việc thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng hơn và tăng cường hợp tác kinh doanh xuyên biên giới.