Hôm nay TikTok Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức Hội thảo lần thứ 2 của Hội đồng Đối tác An toàn tại thủ đô Hà Nội nhằm quảng bá an toàn trên môi trường mạng tại Việt Nam. Để củng cố cam kết an toàn cho người dùng trực tuyến, TikTok và Hội đồng Đối tác An toàn đã kỷ niệm Ngày An toàn Internet với chủ đề #BetterMeBetterInternet như một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm quảng bá an toàn trực tuyến trên 14 quốc gia và khu vực.

Hội thảo thứ 2 của Hội đồng Đối tác An toàn tập trung vào giới thiệu các tài nguyên giáo dục về An toàn trên mạng Internet của TikTok và thúc đẩy đối thoại với các bên liên quan bao gồm chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông về cách tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Nói về sự kiện này, Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ rằng: “Với tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Hiện nay, một phần không nhỏ những người dùng Internet là trẻ em, người chưa thành niên không có đủ hiểu biết về những rủi ro và tiêu cực của môi trường mạng, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nhóm này trở thành mục tiêu xâm hại. Những buổi hội thảo với chủ đề an toàn trên không gian mạng hướng tới đối tượng trẻ em như thế này là vô cùng cần thiết bởi nó cung cấp những thông tin có giá trị nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người trong việc làm sao có thể vừa phát huy được tối đa lợi ích mà công nghệ số đem tới cho trẻ em và đồng thời hạn chế những tác động rủi ro và tiêu cực có thể có của môi trường mạng. Đặc biệt, chúng tôi cũng rất hoan nghênh sự tham gia và sáng kiến của các doanh nghiệp, nền tảng công nghệ, ví dụ như TikTok, trong việc thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dùng, đặc biệt là trẻ em”.

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phát biểu rằng: “Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tác động trong xã hội, đặc biệt trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Để tối đa hoá tiềm năng phát triển của thế hệ trẻ, chúng ta cần trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên với các kiến thức và kỹ năng số để làm chủ công nghệ, tận dụng được những lợi ích của công nghệ và giảm thiểu rủi ro. Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng các em với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ. Riêng khối doanh nghiệp công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm và các tiêu chuẩn cộng đồng, cùng tham gia trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên - những khách hàng hiện tại và tương lai được an toàn và có những trải nghiệm ý nghĩa trên môi trường mạng là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của TikTok trong thời gian qua và khuyến khích những doanh nghiệp công nghệ khác cùng đồng hành trong nỗ lực nâng cao nhận thức an toàn trực tuyến trong cộng đồng”.

Để đảm bảo rộng rãi người dùng tiếp cận được tới nội dung này, TikTok cũng tung ra một loại những video Hướng dẫn An toàn hiển thị trên bảng tin của người dùng ứng dụng. Loạt video này được sản xuất theo phong cách đặc trưng của TikTok nhằm biến những kiến thức về an toàn trực tuyến trở nên dễ hiểu và dễ nhớ.

Cam kết đảm bảo an toàn cho người dùng, TikTok cũng cung cấp cho các bậc cha mẹ và trẻ em thông tin và tài liệu trong Trung tâm An toàn TikTok để hỗ trợ khi họ gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn trong ứng dụng.

Chúng tôi phát triển TikTok nhằm truyền cảm hứng sáng tạo và trao quyền cho người dùng TikTok khám phá một thế giới rộng lớn hơn ngoài kia. Vì vậy, đối với hàng triệu người dùng, ưu tiên hàng đầu của TikTok là đảm bảo sự lành mạnh cũng như tính tích cực của nội dung trên nền tảng. Để có thể tiến tới mục tiêu này, chúng tôi đã và đang liên tục cải tiến và cập nhật các chính sách, công cụ và tài nguyên để thúc đẩy một môi trường ứng dụng an toàn. Hiện nay, chúng tôi đã có một số những biện pháp chống lại việc lạm dụng như chế độ hạn chế, bộ lọc, báo xấu trên ứng dụng, và đội ngũ kiểm duyệt đảm nhiệm việc loại bỏ những nội dung không phù hợp và xóa các tài khoản vi phạm Điều khoản Dịch vụ.

Trong nỗ lực của mình, TikTok đã đưa ra những biện pháp bảo vệ thông qua việc kết hợp công nghệ kiểm duyệt nội dung cùng với nhóm kiểm duyệt khắt khe. Có mặt tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm Việt Nam, hiện nay đội ngũ này có thể kiểm soát nội dung trên 36 ngôn ngữ - tăng 400% về mặt hỗ trợ ngôn ngữ so với một năm trước đó.

Để biết thêm thông tin về nỗ lực vì an toàn của TikTok, vui lòng truy cập: https://www.TikTok.com/safety/.

Về Ngày An toàn Internet (Safe Internet Day)

Khởi đầu là một sáng kiến của dự án EU SafeBorders năm 2004 và được coi là một trong những hoạt động sớm nhất thuộc mạng lưới InSafe của Trung tâm An Toàn Internet châu Âu vào năm 2005, qua các năm, Ngày An toàn Internet đã trở thành một sự kiện quan trọng trong kế hoạch an toàn trực tuyến toàn cầu, và được kỷ niệm tại gần 140 quốc gia trên khắp thế giới.

Ngày này mang tới cơ hội nhấn mạnh khía cạnh tích cực của công nghệ và khám phá vai trò mà mỗi chúng ta đang nắm giữ trong công cuộc tạo nên một công đồng trực tuyến tốt đẹp và an toàn hơn. Đồng thời, Ngày An toàn Internet còn kêu gọi những người trẻ, các bậc cha mẹ, điều dưỡng, giáo viên, nhân viên xã hội, những người thực thi pháp luật, các doanh nghiệp, nhà làm chính sách và các đối tượng khác, cùng nhau chung tay giúp tạo nên một môi trường Internet tốt đẹp hơn.

Về Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok

Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok được thành lập vào năm 2018 với sự cộng tác giữa TikTok và các tổ chức phi chính phủ bao gồm Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Viện Nghiên Cứu Quản Lý Phát Triển Bền Vững (MSD) và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Đây là một phần trong những nỗ lực của TikTok nhằm tăng cường nhận thức của người dùng về an toàn trực tuyến và các biện pháp đảm bảo an toàn.