Tác giả: Michael Beckerman, Phó Chủ tịch, Giám đốc Chính sách công, Mỹ, và Arjun Narayan Bettadapur Manjunath, Giám đốc Phòng Tín Nhiệm và An toàn, Châu Á Thái Bình Dương 

Hôm nay, chúng tôi xin công bố bản <<Báo Cáo Các Vấn Đề Minh Bạch>> giai đoạn nửa cuối năm 2019 (từ ngày 1 tháng 7 đến 31 tháng 12, năm 2019). Báo cáo này cung cấp những phân tích chi tiết về số lượng và tính chất của một số yêu cầu mà chúng tôi nhận được từ các cơ quan thi hành pháp luật trên toàn thế giới, đồng thời cũng nêu rõ cách thức chúng tôi chịu trách nhiệm phản hồi đối với những nội dung này. Chúng tôi cũng bổ sung thêm thông tin về hướng tiếp cận trong việc thực thi các chính sách để duy trì môi trường sáng tạo an toàn và chân thực trên TikTok. Đồng thời, chúng tôi cũng trình bày về những video đã bị xóa trên phạm vi toàn cầu do vi phạm Nguyên tắc cộng đồngĐiều khoản dịch vụ của TikTok để tăng thêm tính minh bạch trong việc kiểm duyệt nội dung cho người dùng.

Tổng quan

Chúng tôi đã công bố Báo cáo Các Vấn Đề Minh bạch lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, trong đó bao gồm những yêu cầu pháp lý mà chúng tôi nhận được trong nửa đầu năm 2019 cùng với phản hồi cho các vấn đề đó. Chúng tôi sẽ thường xuyên có những báo cáo tương tự, cũng như sẽ cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn trong các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống báo cáo, phát triển các chính sách an toàn và thiết lập mối quan hệ với các đối tác mới.

Hướng tiếp cận đến vấn đề về an toàn

Cứ mỗi phút trôi qua trên toàn thế giới, có hàng ngàn video được đăng tải trên TikTok. Qua mỗi video, trách nhiệm của chúng tôi về việc bảo vệ sự an toàn của người dùng càng lớn hơn. Là một nền tảng toàn cầu, TikTok sở hữu đội ngũ hàng ngàn nhân viên trên khắp các thị trường nhằm đảm bảo duy trì một môi trường an toàn và bảo mật cho mọi người.

Để thực hiện các Nguyên tắc Cộng đồng, chúng tôi áp dụng sự kết hợp của công nghệ và hệ thống kiểm duyệt nội dung để xác định và gỡ bỏ những nội dung, tài khoản không đáp ứng các yêu cầu của TikTok.

  • Công nghệ: Hệ thống của chúng tôi tự động báo cáo nội dung có thể vi phạm Nguyên tắc Cộng đồng, cho phép chúng tôi phản ứng nhanh chóng và giảm thiểu những nội dung gây hại tiềm ẩn. Hệ thống này cũng quét đến những tài khoản tiềm tàng các dấu hiệu vi phạm để đánh dấu những nội dung có khả năng không phù hợp. Ví dụ, phần lớn những nội dung spam và lừa đảo sẽ tự động bị xóa.
  • Kiểm duyệt nội dung: Đội ngũ kiểm duyệt toàn cầu của chúng tôi sẽ xem xét những nội dung đã được báo cáo tự động trên hệ thống để xác định xem nội dung đó có vi phạm Nguyên tắc Cộng đồng hay không. Chúng tôi cũng chủ động gỡ bỏ những nội dung có xu hướng gây hại hoặc có khả năng vi phạm, ví dụ như những thử thách nguy hiểm hoặc thông tin sai lệch dẫn đến các rủi ro.
  • Một cách khác để chúng tôi kiểm duyệt nội dung chính là dựa trên các báo cáo nhận được từ người dùng. Chúng tôi luôn cố gắng giúp người dùng dễ dàng báo cáo các nội dung hoặc tài khoản không phù hợp thông qua tính năng báo cáo trong ứng dụng. Đây là cơ hội để người dùng bày tỏ quan điểm về những nội dung có khả năng vi phạm nguyên tắc của cộng đồng trong danh sách (như bạo lực, gây hại, quấy rối, hoặc phát ngôn thù hận). Những người kiểm duyệt sẽ đánh giá các nội dung bị báo cáo để xem xét về khả năng vi phạm Nguyên tắc cộng đồng hoặc Điều khoản Dịch vụ của TikTok. Nếu nội dung đó thật sự vi phạm, nó sẽ bị xóa.

Chúng tôi cũng ưu tiên cung cấp thông tin về các tùy chọn và quyền kiểm soát bổ sung cho người dùng bằng các video trên nền tảng và tại Trung tâm an toàn của chúng tôi. Trên <<trang web Minh bạch mới>> được ra mắt hôm nay, chúng tôi cũng chia sẻ nhiều thông tin về các bước chúng tôi đang thực hiện để bảo vệ sự an toàn cho nền tảng, chi tiết về hoạt động của công ty cũng như các văn bản Nguyên tắc cộng đồng và Báo cáo các vấn đề minh bạch.

Cách thức thực hiện Nguyên tắc Cộng đồng và Điều khoản Dịch vụ của TikTok

Tại TikTok, chúng tôi không chỉ đề cao sự sáng tạo mà còn ưu tiên bảo vệ người dùng trước những mối nguy hại. Những phản ứng cụ thể đối với các nội dung vi phạm chính sách của TikTok là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện trách nhiệm của chúng tôi với người dùng của mình.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 (từ ngày 1 tháng 7 đến 31 tháng 12, năm 2019), chúng tôi đã gỡ bỏ 49,247,689 video trong phạm vi toàn cầu do vi phạm Nguyên tắc Cộng đồng và Điều khoản Dịch vụ của TikTok, ít hơn 1% của tổng các video do người dùng đăng tải. Hệ thống của chúng tôi chủ động quét và xóa 98.2% trên tổng số các video vi phạm này trước khi được người dùng báo cáo. 89.4% các video bị xóa trước khi có bất cứ lượt xem nào.

Ngoài ra, chúng tôi đang bắt đầu báo cáo chỉ số kiểm duyệt nội dung theo chín loại chính sách nội dung. Trong nửa cuối năm ngoái, chúng tôi cũng đã cho ra mắt hệ thống mới chi tiết hơn để theo dõi việc thực thi chính sách của đội ngũ kiểm duyệt của mình. Hệ thống mới này cũng cho phép chúng tôi có một cái nhìn sâu và rõ hơn về các loại nội dung đang được gỡ bỏ. Trong phần phụ lục của báo cáo, chúng tôi cung cấp thông tin về các lý do video bị xóa trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2019 đến ngày 29 tháng 2 năm 2020.

Với hệ thống mới, chúng tôi sẽ cung cấp dữ liệu được thực hiện đối với nội dung và tài khoản bị xóa trong sáu tháng ở các báo cáo tiếp theo.

Ngoài việc xóa bỏ các nội dung vi phạm, chúng tôi nhận ra chúng tôi có thể nỗ lực hơn nữa để mang lại một nền tảng tích cực và cho thấy tầm nhìn thực tiễn của mình. Trong sáu tháng vừa qua, chúng tôi đã có những chính sách được nâng cao hơn; thiết lập Hội đồng Tư vấn Nội dung; ra mắt tính năng an toàn Family Pairing; thông cáo về Trung tâm chuyên trách các vấn đề Minh bạch ở Los Angeles và Washington, D.C.; giải thích cách thức video được đề xuất trên mục #DànhChoBạn; tham gia Liên minh toàn cầu WePROTECT và công bố sự hỗ trợ của chúng tôi đối với các Nguyên tắc Tự nguyện nhằm chống lại nạn lạm dụng trẻ em trên trực tuyến. Đây là những bước tiến ý nghĩa nhằm thực hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với người dùng và các bên liên quan.

Yêu cầu pháp lý cho thông tin người dùng

Giống như tất cả các nền tảng Internet khác, chúng tôi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới. Bất kỳ yêu cầu thông tin nào chúng tôi nhận được đều được xem xét cẩn thận về tính hợp pháp, trước khi đưa ra quyết định, ví dụ, liệu cơ quan yêu cầu thông tin liên quan đến một cuộc điều tra có phải là cơ quan thực thi pháp luật hoặc là cơ quan điều tra hợp pháp đối với trường hợp yêu cầu không, chẳng hạn như yêu cầu về một sự việc khẩn cấp có khả năng xảy ra và gây tổn hại đến xã hội. Trong nửa cuối năm 2019, chúng tôi đã nhận được 500 yêu cầu pháp lý về thông tin từ 26 quốc gia và báo cáo của chúng tôi cung cấp thông tin chi tiết về phản hồi của chúng tôi. 

Yêu cầu xóa nội dung từ các cơ quan chính phủ

Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được yêu cầu từ các cơ quan chính phủ về việc xóa một nội dung nào đó trên ứng dụng, chẳng hạn như các yêu cầu xung quanh những vấn đề vi phạm pháp luật như cấm nội dung tục tĩu, ngôn từ kích động thù địch, nội dung người lớn, vân vân…. Chúng tôi xem xét tất cả các tài liệu theo đúng Nguyên tắc cộng đồng, Điều khoản dịch vụ và luật hiện hành, và từ đó đưa ra những hành động thích hợp. Nếu chúng tôi tin rằng một báo cáo không hợp lệ hoặc nội dung bị báo cáo không vi phạm các tiêu chuẩn của chúng tôi, chúng tôi có thể không thực hiện yêu cầu đối với nội dung đó. Trong nửa cuối năm 2019, chúng tôi đã nhận được 45 yêu cầu xóa hoặc hạn chế nội dung khỏi ứng dụng, từ các cơ quan chính phủ ở 10 quốc gia. Và các thông tin này cũng được bao hàm trong báo cáo của chúng tôi . 

Yêu cầu về pháp lý và bản quyền

Chúng tôi làm việc với các cơ quan pháp lý để chịu trách nhiệm phản hồi những yêu cầu pháp lý chính thức liên quan đến nền tảng của mình. Vào thời điểm nửa cuối năm 2019, chúng tôi đã nhận được 500 yêu cầu pháp lý về thông tin từ 26 quốc gia. Trong số đó, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã lần lượt trình gửi 302 và 100 yêu cầu trên tổng số các đề nghị được đưa ra. Chúng tôi đã nhận được 45 yêu cầu xóa bỏ hoặc hạn chế nội dung từ các cơ quan chính phủ ở 10 quốc gia, phần lớn đến từ Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã đánh giá 1,327 thông báo về việc gỡ các nội dung bản quyền. Ngoài ra, các chi tiết bổ sung về vấn đề này cũng được nêu ra trong báo cáo của chúng tôi.

Hoạt động trong tương lai

Cùng với quá trình phát triển của công ty, chúng tôi cam kết sẽ có những tiếp cận một cách trách nhiệm đối với việc xây dựng nền tảng và kiểm duyệt nội dung. Chúng tôi luôn cố gắng minh bạch và rõ ràng hơn đối với những nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ, đồng thời cung cấp những cách thức hiệu quả để người dùng kiểm soát việc sử dụng TikTok của bản thân và báo cáo với chúng tôi khi có những vấn đề cần được xem xét. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển Báo cáo các vấn đề Minh bạch của mình để cung cấp tầm nhìn rõ hơn về thực tiễn và hành động của chúng tôi, cũng như để bổ sung các phản hồi mà chúng tôi nhận được từ người dùng và các bên liên quan. 

Ngoài ra, chúng tôi đang thiết lập Trung tâm chuyên trách các vấn đề Minh bạch ở Los Angeles và Washington D.C. trong năm nay, tạo cơ hội cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách được trực tiếp quan sát quá trình kiểm duyệt nội dung trên TikTok, một công việc đầy thử thách nhưng rất quan trọng của đội ngũ chúng tôi.

Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cung cấp tầm nhìn tối ưu về các quy trình an toàn và hành động của chúng tôi nhằm duy trì môi trường an toàn và mang tính hỗ trợ cho người dùng trên TikTok.